Quan niệm của Nho giáo về người đàn ông

 

        a. Dương cường, âm nhu

        Nho giáo là một học thuyết ảnh hưởng đến các nền văn hóa Á Châu lấy Trung Hoa làm trục. Để giải thích sự vận động của trời đất, Nho giáo đã nêu lên học thuyết âm dương, trong đó nêu lên rằng muôn vật đều được sinh ra từ khí. Có khí trong – khí đục, khí nặng – khí nhẹ, khí sáng – khí tối, khí ấm – khí lạnh… Khí có tụ có tan, có xuống có lên. Do sự vận động của khí mà có sinh có hóa, có tiến có thoái, có tiêu vong và phát triển. Sở dĩ có triển vọng và phát triển là vì vừa có sự tương đồng (cùng một bản chất là khí) vừa có sự tương phản (trong – đục, nặng – nhẹ, ấm – lạnh…) giữa âm và dương.

        Con người là hội tụ mọi tinh hoa tốt đẹp quý báu của mọi vật trong thế gian. Kinh Dịch coi con người cùng Trời và Đất là tiêu biểu cho vạn vật, gọi là Tam tài. Còn Nho giáo khẳng định “con người là đức của trời đất và sự giao hợp của âm dương, là hội tụ của quỷ thần, là khí ưu tú của ngũ hành vậy”.

        Nói đến “âm dương chi giao”, có thể hiểu đơn giản là sự giao hợp giữa nam và nữ, giữa giống đực và giống cái. Còn có cách nói khác là: “trời đất muôn vật khớp vào khuôn mẫu, nam nữ cấu hợp tinh khí, muôn vật hóa sinh”.

        Như vậy, theo thuyết Âm dương của Nho giáo, muốn có sự vận động phải có sự tụ tán của âm dương. Cương nhu phải thúc đẩy lẫn nhau, muốn phát triển được, dương phải cương và âm phải nhu – như thế mới thuận đạo trời. Đàn ông – biểu tượng cho tính dương cần phải cường (mạnh) và đàn bà – biểu tượng cho tính âm thì cần phải nhu (yếu). Điều này vốn dĩ là luật của trời, thuận theo thì phát triển, không theo thì sẽ lụn bại.

        “Cương” ở đây còn có nghĩa là phải vươn lên. Kinh dịch có lời răn: “Trời làm mạnh bạo, người quân tử cứ tự cường không ngừng” nghĩa là đạo trời vốn mạnh mẽ, cứng rắn, người quân tử phải luôn luôn tự cường để không ngừng vượt qua những thử thách đào thải.

        Tóm lại, người đàn ông quân tử phải cứng rắn như cây tùng, cây bách trong sương sa, tuyết lạnh, phải có dũng khí, có chí nam nhi, phải tự cường, phải quyết đoán để khẳng định vai trò của mình, vị trí của mình trong trời đất và đó phải là đạo xử thế của mỗi người đàn ông.

        Vậy, trong xã hội, người đàn ông phải mạnh, là người phải lập được công danh, nhằm báo đền ơn vua, làm rạng danh cho đất nước, cho gia đình, tổ tiên. Trong gia đình, người đàn ông phải là chỗ dựa, là trụ cột để tạo dựng một gia đình – cơ cấu xã hội thu nhỏ phát triển và toàn vẹn.

 

        b. Chí khí nam nhi

        “Làm trai phải lạ ở trên đời” – Phan Bội Châu, một trong những nhà Nho cuối mùa vẫn còn giữ cái khí phách nam nhi đã được nuôi dưỡng trong chốn Nho gia ở câu thơ ấy. Bởi lẽ, Nho giáo rất đề cao chí khí của người quân tử. Chí khí ở đây có thể hiểu là “trí” và “dũng”.

        Trí là hiểu biết được tạo nên trên mối quan hệ lớn nhỏ của con người với trời đất, với muôn vật, với mọi người trong thiên hạ. Nói cách khác, trí là biết được điều đúng sai, phải trái trong mọi vấn đề thuộc về đạo đức.

        Dũng bao gồm cả ý nghĩa về thể lực và tinh thần. Người “dũng” là người không sợ sệt, dám đối đầu với mọi thử thách, khó khăn. Đàn ông chân chính không thể thiếu trí và dũng, không thể thiếu chí khí nam nhi. Chí khí này là sự phân biệt giữa tiểu nhân và quân tử. Có chí khí, người đàn ông mới đạt công danh và đó phải là mục đích sống của họ. Có công danh là để rạng rỡ tổ tông, gia đình, gia tộc và khi có thể sẽ tiến tới “trị quốc bình thiên hạ”.

 

        c. Phu xướng phụ tùy

        Đây chính là quan niệm của Nho giáo về vai trò của người đàn ông trong gia đình. Theo quan điểm của Nho giáo, giáo dục gia đình có vai trò quyết định đối với sự phát triển của một con người. Giáo dục luôn luôn gắn liền với gia đình. Nhà là chỗ đứng vững chắc cần phải giữ vững trong mọi quan hệ giữa người với người, giữa con người với xã hội. Tổ chức cuộc sống, tổ chức Nhà nước và xã hội của Nho giáo luôn lấy nhà làm nền móng, luôn thể hiện nguyên lý: “thiên hạ gốc ở nước, nước gốc ở nhà”.

        Do đó, công cuộc giáo dục phải lấy quan hệ gia đình làm điểm xuất phát, làm gốc để rèn giũa con người. Chính bởi vậy mà trong “Ngũ luân” của Nho gia (năm mối quan hệ: vua tôi, cha con, anh em, chồng vợ, bạn bè), quan hệ vợ chồng được đặc biệt chú ý. Có thể coi đó là mối quan hệ nền tảng trong gia đình. Vai trò của người đàn ông trong mối quan hệ này cực kỳ quan trọng, bởi lẽ, nếu người đàn ông xử lý tốt mối quan hệ này thì chắc chắn sẽ biết cách xử lý đúng đắn các mối quan hệ khác như: phụ tử, huynh đệ…

        Phu xướng phụ tùy nghĩa là người chồng phải là người quyết định, người vợ chỉ có việc nghe theo. Nho giáo cho người đàn ông có quyền hạn rất lớn trong gia đình, có quyền được lấy nhiều vợ, khi cần, để duy trì nòi giống có quyền được bỏ vợ nếu vợ phạm phải một trong bảy điều thất xuất: không con, dâm nhác, không thờ phụng cha mẹ chồng, lắm điều, trộm cắp, ghen tuông, có ác tật.

        Nguyên lý giáo dục của Nho giáo bao giờ cũng nhất quán: “Thiên hạ gốc ở nước, nước gốc ở nhà”. Bởi vậy, trong sách Đại học, Tăng Sâm ghi rõ: “Nhà mình không thể dạy mà dạy được người ta là không có. Cho nên người quân tử không ra khỏi nhà mà dạy được người trong cả nước”.

        Cái gốc của gia đình, bắt đầu là gia đình hạt nhân – một vợ một chồng phải khẳng định được vị thế của người đàn ông. Từ đây, nó sẽ là khuôn khổ để bồi dưỡng, rèn đúc con người theo kiểu mẫu nhà Nho. Con người tề được gia mới trị được quốc và bình được thiên hạ.

 

        d. Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô

        Theo quan niệm này, có mười con gái không bằng có một con trai. Điều này xuất phát từ quan niệm đề cao vai trò của người đàn ông trong gia đình và trong xã hội. Con trai không chỉ là chỗ dựa, là người kế nghiệp tổ tiên, duy trì nòi giống mà có con trai tức là đã làm tròn nhiệm vụ trước tổ tiên bởi lẽ xuất phát điểm của Nho giáo là vấn đề gia tộc. Nho giáo cho rằng, lập gia, tề gia, hưng gia chính là nhằm thống trị cả nước, thống trị cả thiên hạ. Người có thể tề gia, hưng gia chính là đàn ông. Bởi vậy, nhu cầu có con trai và vai trò của người đàn ông tương lai đó trong gia đình, gia tộc là rất quan trọng.

 

More Articles for You

Các địa điểm tổ chức tiệc cưới tại TpHCM “đẹp như mơ” của các cặp đôi sành điệu

Ngày cưới là một trong những khoảnh khắc trọng đại nhất của cuộc đời mỗi người. Chính vì vậy, việc …